MÙA ĐÔNG NƠI BIÊN GIỚI – SỰ ẤM ÁP ĐẾN TỪ TRÁI TIM

MÙA ĐÔNG NƠI BIÊN GIỚI – SỰ ẤM ÁP ĐẾN TỪ TRÁI TIM

Hải Phòng những ngày đầu tháng 11, trời bắt đầu trở lạnh hơn và đó cũng là lúc chiến dịch “Mùa đông nơi biên giới” của khoa Quản trị - Tài chính bắt đầu khởi động. Ở tất cả các khu giảng đường đều xuất hiện hòm quyên góp với những bạn sinh viên tình nguyện túc trực cả ngày để đón nhận tấm lòng hảo tâm của các bạn sinh viên, giảng viên trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cũng như của các cơ quan đoàn thể khác trên toàn thành phố Hải Phòng.

Từ chiếc áo, chiếc quần hay vài đồng tiền lẻ được bớt lại từ bữa sáng… tích tiểu thành đại, cuối cùng chiến dịch “Mùa đông nơi biên giới” đã đạt được thành công bước đầu khi quên góp được một số tiền nhất định dùng để mua nhu yếu phẩm cũng như rất nhiều quần áo cho người dân vùng cao.

Chặng đường tiếp theo của chiến dịch chính là giao tận tay cho người dân vùng cao những món quà xuất phát từ trái tim của người dân đất cảng và một chuyến đi đã gấp rút được chuẩn bị.

Một ngày đầu tháng 12, từ năm giờ sáng đoàn của chúng tôi bắt đầu xuất phát từ cổng A của trường Đại học Hàng Hải Việt Nam. Chuyến xe đưa 17 bạn Sinh viên tình nguyện cùng 3 giảng viên của Khoa Quản Trị - Tài Chính tới với xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, Tỉnh Sơn La.

Xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Sơn La với 95% dân số là người dân tộc. Xã nằm trong khu vực có địa hình khó khăn ở độ cao 1000m so với mặt nước biển. Bởi vậy, dù xuất phát từ sớm và chạy không ngừng nghỉ nhưng tới năm giờ chiều chúng tôi mới tới xã. Vượt qua những cung đường đất nhỏ xíu, quanh co, uốn lượn mà một bên là núi, một bên là đáy vực sâu thăm thẳm mà đôi lúc tất cả chúng tôi đều nín thở vì sợ hãi nhưng bỏ qua những nỗi sợ đó, trong mỗi chúng tôi đều sôi sục niềm nhiệt huyết với mong muốn vào tận nơi để trao tận tay cho bà con từng chiếc áo, chiếc quần mà chúng tôi đã quyên góp được.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là trường tiểu học và trường trung học cơ sở xã Tân Trào. Hai ngôi trường nằm cạnh nhau với những phòng học đơn sơ và những em học sinh mặc áo trắng ố màu cùng chiếc khăn quàng đỏ thắm đã rách vài chỗ. Mười món quà dành cho mười em học sinh tiêu biểu đã được trao. Món quà tuy nhỏ nhưng vẫn mong đó sẽ là động lực để các em tiếp tục cố gắng học tập ngày một tốt hơn và chẳng bao lâu nữa các em sẽ trở thành sinh viên, thành những con người có ích để quay trở lại xây dựng Tân Trào ngày càng phát triển.

Tiếp đó, xe của chúng tôi dừng ở nhà văn hóa xã Tân Trào, đây dường như là ngôi nhà duy nhất được xây bằng bê tông trên quãng đường chúng tôi vào xã. Bà con từ rất sớm đã tới chờ đón chúng tôi. Những em nhỏ hiếu kỳ với chiếc ô tô to lần đầu xuất hiện rồi lại háo hức đón nhận những chiếc bánh, chiếc kẹo miền xuôi. Tối đó, buổi giao lưu văn nghệ đã diễn ra trong không khí ấm áp, tràn ngập yêu thương giữa tập thể sinh viên, giảng viên khoa Quản trị - Tài chính và bà con xã Tân Trào.

Khi màn đêm dần buông xuống, đống lửa trại đã được dập đi cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cái lạnh cắt da cắt thịt của miền biên cương. Dù khoác lên người những chiếc áo lông dầy cộp mà cái lạnh vẫn cứ len lỏi qua những lớp áo ấy làm chúng tôi không thể nào ngủ được. Trên sàn nhà lạnh cóng với những bộ quần áo tưởng như quá ấm ở dưới xuôi bỗng trở lên vô tác dụng dưới cái lạnh giá nơi núi cao. Nhưng chính lúc ấy chúng tôi càng thấm thía sự vất vả khổ cực của bà con ở đây. Những em nhỏ với bộ quần áo vừa ngắn vừa rách còn mỏng manh, các bà, các ông da nhăn nheo trong những bộ đồ vá ngang vài chỗ… vậy mà ngày ngày bà con vẫn sống, vẫn làm việc dưới cái lạnh như vậy.

Cả đêm đó, chúng tôi cứ trở qua trở lại mong trời sáng thật nhanh để có thể trao đến bà con những món quà ấm áp mà chúng tôi mang đến. Dù chỉ là vài gói bột canh hay quyển vở, cái bút cùng với bộ quần áo ấm nhưng trong đó chứa đựng tất cả tình cảm của chúng tôi dành cho bà con nơi biên giới.

Sáng hôm sau, từ bốn giờ sáng loa phát thanh đã đọc tên từng hộ gia đình tới nhận quà. Bảy giờ sáng bà con đã tới và công việc của chúng tôi bắt đầu. Nhìn nét mặt vui vẻ của bà con, nụ cười hạnh phúc của những em bé mặt lấm lem đất mà chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Những gương mặt ấy, những nụ cười ấy sẽ là ký ức đẹp in sâu vào tâm trí chúng tôi hết cả cuộc đời.

Buổi sáng đó qua đi, đã tới lúc chúng tôi rời Tân Trào để trở về với cuộc sống giảng đường thường nhật. Từ hai bên đường, bà con đều vui vẻ vẫy tay tạm biệt chúng tôi. Một bác lớn tuổi còn thương chúng tôi chưa ăn sáng mà mang tới tận xe một túi ngô luộc nóng hổi. Những ruộng ngô vốn được trồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm nay được chọn bắp non đem luộc vội, ngô còn chưa chín nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ đón nhận và ăn  ngon lành.

Chúng tôi đều là những người trẻ, điều kiện vật chất chưa nhiều nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để có thể mang những gì tốt nhất và bà con nơi đây đã cảm nhận được những tình cảm đó. Những nụ cười, những cái vẫy tay cứ nối nhau cho tới khi xe của chúng tôi lại một lần nữa vượt qua những cung đường uốn lượn về xuôi.

Trải qua mười hai tiếng trên ô tô, cuối cùng hành trình đã kết thúc an toàn. Chiến dịch “Mùa đông nơi biên giới” đã kết thúc tốt đẹp. Dù mỗi người đều cảm thấy mệt mỏi sau một chuyến đi dài nhưng nụ cười vẫn nở trên môi. “Nhất định sang năm chúng cháu sẽ trở lại” – lời hứa với bà con xã Tân Trào làm chúng tôi có thêm động lực để cố gắng để mùa đông sang năm sẽ tiếp tục có những chuyến xe lên vùng cao, không chỉ là quần áo ấm mà còn là cả tấm lòng ấm áp của sinh viên, giảng viên Khoa Quản trị - Tài chính gửi đến bà con nơi biên giới.

                                                                                                                                                                       Bùi Thị Phương

 

 

 

 

 

Undefined