Nằm trong kế hoạch kết nối doanh nghiệp năm 2022 với mục đích nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng viên khoa, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn tại doanh nghiệp. Ban chủ nhiệm khoa đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải để đi tham quan thực tế học hỏi kinh nghiệm tại các đơn vị như Công ty TNHH MTV 128 Hải quân, Công ty cổ phần Tân Cảng 128, Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền và kinh doanh tổng hợp trực thuộc 128. Ngày 7/5/2022 đoàn cán bộ giảng viên khoa Quản trị - Tài chính đã đến thăm và làm việc trực tiếp tại các đơn vị trên.
Tại Công ty TNHH MTV 128 Hải quân, đoàn đã được đồng chí Đại tá Nguyễn Hải An và các đồng chí lãnh đạo các phòng ban đón tiếp nhiệt tình. Với vai trò chức năng của Công ty TNHH MTV 128 Hải quân, là doanh nghiệp quân đội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-kinh tế, nhiều năm qua, Công ty đã từng bước chuyển đổi, tháo gỡ khó khăn; năng động, sáng tạo, nhạy bén trong đầu tư và mở rộng phát triển ngành nghề mới. Với địa bàn hoạt động rộng, trải dài suốt từ Bắc đến Nam và ra đến huyện đảo Trường Sa, Công ty 128 đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra kết hợp khai thác hải sản xa bờ; bảo vệ công trình dầu khí quốc gia trên biển; làm nhiệm vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa và tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Đại tá Nguyễn Hải An, Giám đốc Công ty TNHH MTV 128 Hải quân khẳng định: Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, tuy nhiên trong những năm qua công ty đều có sự tăng trưởng đều đặn.
Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền và kinh doanh tổng hợp của Công ty cũng đã tập trung sửa chữa các tàu theo chỉ tiêu của Quân chủng cũng như các tàu của Công ty và các tàu Xí nghiệp tự khai thác. Không chỉ có Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền và kinh doanh tổng hợp-theo chia sẻ của Đại tá Nguyễn Hải An-Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cũng đã triển khai tốt kế hoạch huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, QNCN, CNVQP và các tàu của Trung tâm. Các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với địa bàn để sẵn sàng ứng phó kịp thời mọi tình huống tràn dầu có thể xảy ra.
Công ty cổ phần Tân cảng 128 Hải Phòng được thành lập theo Quyết định ký ngày 3-11-2008 của Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh phục vụ tốt nhiệm vụ quốc phòng...
Những năm qua, sản lượng qua kho CFS Tân cảng 128 không ngừng gia tăng và luôn nằm trong top 6 kho có sản lượng cao nhất trong khu vực. Công ty đã tạo được sự tin tưởng lớn với các đối tác, khách hàng góp phần khẳng định thương hiệu Tân cảng Sài Gòn tại khu vực phía Bắc. Đến nay, Tân cảng 128 đang có hợp đồng khai thác với 8 hãng tàu, trong đó có 4 hãng tàu ngoại, tần suất khai thác ổn định từ 9-10 chuyến/tuần, có thời gian cao điểm, cảng tiếp nhận tới 13-14 chuyến tàu container/tuần. Sản lượng thông qua Tân cảng 128 năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 luôn duy trì ở mức cao, thị phần đứng thứ 5/13 cảng container khu vực Hải Phòng.
Với tổng diện tích hơn 200.000 m2 có diện tích bãi container 107.000 m2, dung lượng bãi chứa hàng và bãi rỗng lên đến 10.000 TEUs;Hệ thống kho CFS 5.000m2 cùng với sự đầu tư đồng bộ hệ thống xếp dỡ hiện đại: hệ thống cẩu Liebeherr, cẩu khung Mi-jack có sức nâng đến 40 tấn hàng; hệ thống xe nâng chụp container hàng, rỗng, xe đầu kéo-rơ moóc, xe nâng phục vụ đóng rút hàng hóa…..đã khẳng định bước đột phá trong việc đầu tư xây dựng Công ty Tân cảng 128 Hải Phòng vươn xa cùng chất lượng dịch vụ hàng đầu.
Nằm trên vị trí chiến lược quan trọng là huyết mạch giao thông đường bộ (quốc lộ số 5) nối liền tam giác kinh tế: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Về giao thông đường thủy, Công ty nằm trong luồng chính vào cảng Hải Phòng, tiếp giáp với khu công nghiệp Nam Đình Vũ, nối liền các cảng biển khu vực Quảng Ninh bằng đường thủy nội địa, kết nối với các cảng Tân Cảng 189 - Hải Phòng tạo thành cụm cảng đồng bộ, cùng hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau. Với tầm nhìn chiến lược về kinh tế nơi đây sẽ trở thành cụm cảng, kho bãi lớn tại Hải Phòng, hướng tới mục tiêu dẫn đầu về thị phần, chất lượng khai thác cảng tại khu vực phía Bắc, mang đến “lợi ích tối đa và chất lượng tối ưu cho khách hàng”.
Lãnh đạo Công ty cho biết: “Hiện tại, Công ty chúng tôi đang khai thác 03 cầu tàu, bến số 1 có chiều dài 150 m, độ sâu trước bến -8,2 m, có thể tiếp nhận tàu hoặc sà lan 15.000 DWT; Bến số 2 dài 150 m, độ sâu trước bến - 8,2m, có thể tiếp nhận tàu 15.000 DWT; Bến số 3 dài 127 m, độ sâu trước bến - 8,2m, có thể tiếp nhận tàu 15.000 DWT. Cùng với 3 vũng quay trong hệ thống cảng Hải Phòng và 01 vũng quay tàu trước cảng Tân cảng 128, đường kính vũng quay 230 m, độ sâu vũng quay -8 m. Sản lượng thông qua hiện tại trung bình 250 ngàn teus/năm; kho CFS lượng hàng thông qua 60 ngàn tấn/ năm; kho Ngoại quan sản lượng thông qua 385 ngàn tấn/năm.
Nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành cảng, công ty đã đầu tư hệ thống quản lý hiện đại, thủ tục lấy hàng nhanh chóng cùng các trang thiết bị đồng bộ theo tiêu chuẩn Châu Âu. Hiện công ty có hệ thống công nghệ thông tin xuyên suốt từ trung tâm đến văn phòng thương vụ; các bãi hàng, kho hàng, cầu tàu bằng hệ thống mạng cáp quang, cáp STP, cáp UTP, mạng không dây 54 Mbps, mạng không dây dự phòng 6 Mbps và phần mềm hệ thống thông tin quản lý hiện đại. Có đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, linh hoạt, sáng tạo, tận tâm, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ.
Qua chuyến thực tế các các đơn vị đối tác, đoàn cũng đã có nhiều bài học sâu sắc về hoạt động quản lý của đơn vị trong môi trường quân đội, hiểu thêm về các hoạt động nghiệp vụ tại cảng, kho bãi và các dịch vụ logistics. Đoàn cũng đón nhận nhiều tình cảm gắn bó của các đồng chí lãnh đạo đơn vị, các anh chị em đang làm việc tại đơn vị một tình cảm ấm áp, nồng hậu.
Hy vọng chuyến đi thực tế doanh nghiệp sẽ mở đầu cho những hành trình mới mà những người thầy đang đứng trên bục giảng cần tiếp tục hơn nữa trong việc tìm hiểu thực tế tại các đơm vị khác, điều này làm sinh động hơn những bài giảng, những bài học bổ ích cho sinh viên.